CHỦ TỊCH SPHACY VŨ VĂN THÀNH VÀ KHÁT KHAO MỞ RỘNG BIÊN GIỚI MỀM CHO VIỆT NAM
Trang chủTin Hoạt ĐộngCHỦ TỊCH SPHACY VŨ VĂN THÀNH VÀ KHÁT KHAO MỞ RỘNG BIÊN GIỚI MỀM CHO VIỆT NAM
CHỦ TỊCH SPHACY VŨ VĂN THÀNH VÀ KHÁT KHAO MỞ RỘNG BIÊN GIỚI MỀM CHO VIỆT NAM
8 Tháng ba 2023
Cuộc trò chuyện của chúng tôi với doanh nhân Vũ Văn Thành, người sáng lập kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần SPHACY vào một chiều cuối năm hối hả anh ra Hà Nội công tác. Vị doanh nhân điềm đạm, điển trai, phong thái đĩnh đạc, nhưng không kém phần lãng tử.
Cuộc trò chuyện của chúng tôi với doanh nhân Vũ Văn Thành, người sáng lập kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần SPHACY vào một chiều cuối năm hối hả anh ra Hà Nội công tác. Vị doanh nhân điềm đạm, điển trai, phong thái đĩnh đạc, nhưng không kém phần lãng tử.
Nhìn vào dáng vẻ ấy, có lẽ nhiều người sẽ nghĩ anh sinh ra ở vạch đích. Thế nhưng, Vũ Văn Thành đích thực sinh ra trong một gia đình nghèo ở Hải Hậu, Nam Định. Suốt thời sinh viên và cao học, Thành phải đi bán cá, bán trái cây, bón phân, thậm chí thông cống… để có tiền trang trải cuộc sống và đóng học phí.
Thành kể, ngày xưa bố mẹ làm nông nên nhà nghèo lắm, khi anh nhập học Đại học Kinh tế TP.HCM, bố mẹ vét hết tiền tích lũy cộng với bán đàn lợn cũng không đủ 8 triệu đồng cho con nộp học nên phải vay mượn thêm.
“Thời sinh viên, tôi gần như không có bạn bè vì không tham gia hoạt động của lớp, của trường, càng không đi chơi, ăn uống, sinh nhật vì không có tiền để đóng góp… Ngoài giờ lên lớp tôi sẽ đi bán cá, từ chiều tối thì bán trái cây ở gần khu công nghiệp để tự trang trải cuộc sống và đóng học phí”, anh Thành kể, khóe mắt không dấu nổi xúc động.
4 năm Đại học của Thành trôi qua thật lâu bởi mỗi ngày, anh đều phải nỗ lực và cố gắng rất nhiều. Nhưng anh chưa bao giờ có ý định bỏ cuộc. Với Thành, tri thức là tất cả những gì anh có và phải có. Đó cũng chính là “chìa khóa” để anh xoay chuyển vận mệnh và đổi đời.
Tốt nghiệp Đại học, Thành xin được học bổng ngành tài chính, tại Đại học Cass Business School, một trường học nổi tiếng ở Vương quốc Anh. Thời điểm đó, tiếng Anh của Thành rất yếu vì ngọng “l”, “n”, tật nói nhanh, hay bị dính chữ, thế nhưng, vượt lên nghịch cảnh, nhờ chăm chỉ luyện tập ngày đêm, sau vài tháng, anh đã có thể giao tiếp. “Lúc đó mọi thứ gần như chống lại mình. Nhưng nhờ khát vọng thoát nghèo và khát vọng hoàn thiện bản thân quá lớn, cuối cùng tôi đã chiến thắng”, Thành quả quyết.
Để có tiền trang trải mọi thứ, anh đã làm tất cả những công việc chân tay ít người làm nhất như hái trái cây, bón phân, thông tắc bồn cầu… rồi học theo nhiều người Việt sống tại đây mua nội tạng để ăn vì giá rẻ, có thể tích lũy được nhiều tiền.
Sau 3 năm du học, Thành làm việc và bắt đầu nghiên cứu về quá trình vận chuyển hàng hoá của các công ty lớn ở Anh và cả các start-up thành công trong ngành này. Khi đã có vốn kiến thức và kinh nghiệm, anh kết hợp cùng khả năng công nghệ thông tin của bản thân được rèn luyện trong khoảng thời gian là sinh viên tại Việt Nam để vạch ra kế hoạch tương lai về dự án thành lập Công ty vận chuyển hàng hóa tại Việt Nam.
Năm 2015, Thành trở về nước, làm việc tại Công ty Cơ khí xây dựng Đại Dũng, đưa Đại Dũng trở thành doanh nghiệp đầu tiên trong ngành xây dựng nhà tiền chế áp dụng công nghệ vào quản lý và thiết kế, thiết kê mô hình…
Cũng trong năm 2017, anh thành lập công ty riêng có tên Công ty TNHH Vũ Phúc Thành, lĩnh vực hoạt động gồm bán buôn máy móc, thiết bị công nghiệp, thiết bị tự động, y tế, trang thiết bị y tế, dược phẩm. Đến tháng 4/2017, công ty chuyển đổi loại hình sang Công ty cổ phần Vũ Phúc Thành, tập trung phát triển mảng công nghệ và thành công ở ứng dụng cung ứng thuốc. Đến năm 2018, anh đổi tên thành Công ty cổ phần SPHACY (S: Smart, Phacy: Pharmacy). Chữ S còn là biểu tượng hình chữ S – Việt Nam, thể hiện niềm đam mê sáng tạo, khởi nghiệp cống hiến cho đất nước.
Chia sẻ về logo của SPHACY, Thành cho biết, chữ S vừa mang hình đất nước Việt Nam, vừa giống hình biểu tượng con rắn của ngành dược. Cánh hoan sen tượng trưng quốc hoa của Việt Nam thể hiện SPHACY là doanh nghiệp của Việt Nam. Chữ S đặt đầu tiên đề cao tính dân tộc và khát khao đưa hình ảnh Việt Nam vượt ra ngoài biên giới và mở rộng biên giới mềm của Việt Nam.
“Bởi, dù không phải cơ quan nhà nước, khi doanh nghiệp Việt Nam mở văn phòng hay nhà máy ở quốc gia khác cũng đồng nghĩa chúng ta tạo được tầm ảnh hưởng ở đó và xác lập biên giới mềm của Việt Nam, độ ảnh hưởng của Việt Nam”, CEO SPHACY phân tích.
Với khát vọng lớn đó, ngay từ đầu, doanh nhân Vũ Văn Thành đã xây dựng SPHACY là hệ sinh thái các giải pháp số toàn diện cho các nhà sản xuất, bán buôn, cửa hàng và người sử dụng thuốc, tạo ra mô hình cung ứng thuốc mới hiệu quả và minh bạch.
“Chỉ có công nghệ mới giúp cho mô hình kinh doanh được nhân bản, mở rộng. Sứ mệnh của SPHACY chính là ứng dụng công nghệ vào ngành phân phối dược phẩm, giải quyết các vấn đề tồn đọng gây nhức nhối như tình trạng thuốc giả, thuốc kém chất lượng, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, tình trạng khan hiếm thuốc, lạm dụng thuốc & thực phẩm chức năng, tình trạng kháng thuốc tăng cao…”, “cha đẻ” SPHACY nói.
SPHACY đã được Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ (thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy Chứng nhận Doanh nghiệp Khoa học nhờ đáp ứng đủ các điều kiện như: Được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp; Có khả năng tạo ra hoặc ứng dụng kết quả khoa học và công nghệ được cơ quan có thẩm quyền đánh giá, thẩm định, công nhận theo quy định tại khoản 2 Điều 7 của Nghị định 13/2019/NĐ-CP; Đáp ứng điều kiện về doanh thu từ việc sản xuất, kinh doanh sản phẩm hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ (tối thiểu 30% trên tổng doanh thu).
Các sản phẩm phần mềm SPHACY GDP và SPHACY GPP là kết quả nghiên cứu sáng tạo hợp pháp, được pháp luật công nhận (Cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả) và là top 7 những Công ty đầu tiên được Cục quản lý Dược công bố “Các đơn vị cung cấp phần mềm kết nối và chuyển dữ liệu thành công vào hệ thống Cơ sở dữ liệu dược Quốc gia”.
Vị doanh nhân cho hay, nhờ được chứng nhận Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ, SPHACY đã được hưởng nhiều chính sách ưu đãi đặc biệt, hỗ trợ hết sức thiết thực như: Miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; Miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước; Ưu đãi tín dụng thực hiện hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và sản xuất kinh doanh; Hỗ trợ hoạt động nghiên cứu, thương mại hóa kết quả khoa học và công nghệ; Hỗ trợ, khuyến khích ứng dụng, đổi mới công nghệ; Hưởng các dịch vụ tư vấn, đào tạo từ các cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp của Nhà nước không phải trả phí dịch vụ. Được ưu tiên sử dụng các trang thiết bị phục vụ nghiên cứu khoa học trong phòng thí nghiệm trọng điểm, cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp, cơ sở nghiên cứu khoa học công nghệ của Nhà nước. Được hưởng các hỗ trợ ưu đãi từ Quỹ phát triển khoa học công nghệ quốc gia, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia.
6 năm hoạt động trong lĩnh vực công nghệ và phân phối dược phẩm, SPHACY đã kết nối được hơn 30.000 khách hàng là nhà thuốc sử dụng phần mềm GPP; Hơn 1.200 đối tác là công ty phân phối dược phẩm sử dụng phần mềm GDP và hơn 250 khách hàng là các công ty sản xuất sử dụng phần mềm của SPHACY.
Khách hàng tiêu biểu của SPHACY có thể kể tới Công ty Dược Hoa Linh, Công ty cổ phần Nam Dược, Công ty Dược Bến Tre, Công ty Dược Nghệ An, Công ty Dược Việt Hà, Công ty Sang Pharma, Công ty Dược Đông Á, Công ty phân phối DKSH…
Sản phẩm của SPHACY đã và đang giúp khách hàng giải quyết được những vấn đề cấp thiết như: Tuân thủ pháp luật về việc áp dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực Y tế và kết nối liên thông dữ liệu Dược Quốc gia; Hỗ trợ các nhà thuốc, quầy thuốc giải quyết các vấn đề về bài toán vận hành, quản lý hiệu quả (thuê bao phần mềm, dịch vụ quảng cáo, báo cáo và tham mưu doanh nghiệp…).
Để kết nối toàn bộ Nhà thuốc/quầy thuốc trên toàn quốc sử dụng phần mềm SPHACY, SPHACY không ngừng cải tiến chất lượng sản phẩm và giá trị. Tầm nhìn của SPHACY là hướng đến trở thành “Đơn vị hàng đầu cung cấp giải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp dược phẩm tại Việt Nam và khu vực châu Á – Thái Bình Dương”.
Sắp tới, SPHACY sẽ mở rộng công ty sang Singapore. Quan điểm của Thành là muốn bán được hàng thì phải mang ra chợ và dân công nghệ thì có nhiều chợ, nhưng anh chọn Singapore đầu tiên vì ở đây có chính sách hấp dẫn, có nhiều chiến dịch ưu đãi. Từ năm 2023 – 2025, SPHACY sẽ mở rộng biên giới mềm sang một số nước Đông Nam Á khác như Thái Lan, Philippines, Malaysia…
Để làm được điều đó, SPHACY sẽ tiếp tục đầu tư vào hoạt động nghiên cứu đổi mới, phát triển và cải tiến phần mềm để tạo ra một hệ sinh thái công nghệ bền vững trong lĩnh vực thương mại và kinh doanh dược phẩm. “Mục tiêu của chúng tôi là xây dựng cầu nối giữa Nhà nước – Doanh nghiệp, Doanh nghiệp – Khách hàng cùng đồng hành để giải quyết bài toán về quản lý vận hành, đảm bảo nguồn cung ứng an toàn và thực hành kinh doanh có trách nhiệm, bảo vệ người tiêu dùng”, Thành khẳng định tâm huyết và bảo, chính những nỗ lực ấy đã giúp SPHACY có được sự tăng trưởng ổn định trong những năm qua.
Chia sẻ lý do không ở lại Vương quốc Anh mà trở về Việt Nam khởi nghiệp, Thành cho hay, kinh doanh ở đâu cũng có cơ hội, khó khăn và thách thức. Nhưng anh muốn cống hiến trí tuệ góp phần giúp đất nước phát triển. Hơn nữa, môi trường ở Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng, dự địa với thị trường 100 triệu dân, trong khi hệ thống y tế cơ sở chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn nên vùng sâu, vùng xa khó tiếp cận với y dược học tiên tiến.
“Càng phát triển SPHACY, khát khao giúp mọi người dân Việt Nam được tiếp cận với những thành quả từ y tế dược phẩm một cách đúng nghĩa trong tôi càng lớn”, Thành bộc bạch.
Anh cho biết, thời gian đầu khởi nghiệp, SPHACY gặp rất nhiều khó khăn vì khách hàng muốn áp dụng giải pháp thì phải đầu tư về hạ tầng. Đặc biệt là nội tại trong công ty, nhân sự không đủ niềm tin, không hiểu mô hình, không hình dung được hình thái của công ty vì nói SPHACY là doanh nghiệp công nghệ cũng đúng, doanh nghiệp dược cũng đúng, sàn thương mại điện tử cũng được.
“Áp dụng nhiều mô hình công ty trong một, tôi muốn giải quyết dứt điểm tất cả các bài toán về chi phí”, Thành lý giải. Nhìn vào sự phát triển mạnh mẽ của SPHACY thời gian qua đã chứng minh anh đúng.
Triết lý của SPHACY là luôn đặt lợi ích của người tiêu dùng lên hàng đầu và phải làm tốt từng khâu nhỏ nhất cũng như đề cao tính hiệu quả và những mong muốn của người tiêu dùng. Do đó, đảm bảo chất lượng của các sản phẩm bán trên sàn SPHACY khâu trọng yếu. Tất cả các sản phẩm được bán phải là hàng hóa có đầy đủ hóa đơn chứng từ, đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, an toàn vệ sinh thực phẩm và các loại giấy phép kể cả giấy phép quảng cáo, gọi chung là bộ pháp lý của sản phẩm.
Bên cạnh đó, đối tác muốn bán hàng trên SPHACY phải cam kết chính sách chung của SPHACY là chống bán phá giá, đảm bảo thời gian giao hàng trong vòng 3,5 ngày và phải đảm bảo về chế độ độ bảo hành, bảo mật thông tin người mua. Ở chiều ngược lại, là đơn vị trung gian, SPHACY sẽ bảo vệ quyền lợi của cả khách hàng, các nhà thuốc và các công ty là đơn vị quản lý ngành dược một cách tối đa.
Sau 3 năm Covid-19, tất cả đã chuyển đổi số rất nhanh. “Điều đó làm thay đổi SPHACY và sẽ trở thành đặc trưng, ưu điểm của SPHACY so với các đối thủ”, Thành tin tưởng và cho biết, đúng như đã “tính toán” từ trước, SPHACY đã trở nên “rất khác”, mạnh mẽ hơn, định hình rõ ràng hơn về vị thế của một doanh nghiệp công nghệ và dược phẩm. “Với chúng tôi, đó là một sự nỗ lực rất lớn”, Thành mỉm cười.
Theo số liệu SPHACY thu thập và tổng hợp được, thị trường Việt Nam năm 2022 đạt khoảng 14 tỷ USD chi phí chăm sóc sức khỏe. Tính trên đầu người sẽ rơi vào khoảng 67 USD đến 74 USD/ người. Nếu muốn chi phí này được giảm xuống, người Việt cần thay đổi tư duy, tức là không phải đến khi có bệnh mới chữa mà phải phòng bệnh hơn chữa bệnh. Khi đó, chi phí cho chăm sóc sức khoẻ sẽ giảm hơn rất nhiều.
Với thị trường trong nước, Thành nói, những năm qua mới chỉ là đang đi “gieo hạt”, muốn gặt hái thành công thì còn phải 5 thậm chí 10 năm nữa. Nhu cầu thị trường còn lớn lắm, bởi không chỉ tất cả các doanh nghiệp, địa phương mà ngành dược cũng xác định chuyển đổi số là con đường để tăng tốc, phát triển.
Ở thị trường thế giới cũng thế, các doanh nghiệp dược toàn cầu cũng đang trong cuộc đua chuyển đổi số. “Ít nhất là 10 năm nữa, vẫn còn rất nhiều cơ hội cho ngành dược, doanh nghiệp dược chuyển đổi số”, Thành quả quyết.
Để hái được những “trái ngọt” đầu tiên ấy, Thành luôn đề cao tính sáng tạo và tính chịu trách nhiệm của bản thân và các cộng sự.
Đi lên từ nghèo khó và đôi tay trắng, trải qua nhiều công việc vất vả, thời sinh viên rồi học cao học ở Anh, Thành luôn mong ngóng đến ngày nhận lương để đóng thuê trọ, tiền điện, tiền nước,… trang trải cuộc sống, nên anh đã cố gắng xây dựng mức lương tốt nhất có thể để đảm bảo mức chi tiêu tối thiểu và có khoản tích luỹ cho mỗi nhân viên. Một năm, nhân viên của SPHACY sẽ có 12 ngày phép, cưới được nghỉ 7 ngày, chế độ nghỉ việc hiếu, mỗi năm đều tổ chức du lịch, tặng quà sinh nhật. Đặc biệt, ngoài bảo hiểm xã hội mỗi nhân viên còn được đóng bảo hiểm nhân thọ. SPHACY cũng xây dựng bậc lương từ 8 triệu đến hơn 100 triệu đồng/tháng theo kinh nghiệm, vị trí.
“Và dù công ty có khó khăn bao nhiêu thì tôi cũng sẽ xoay sở, đảm bảo việc thanh toán lương và chế độ không chậm một ngày nào, cũng không bao giờ nợ bảo hiểm xã hội. Tôi muốn những cộng sự của mình có một cuộc sống hạnh phúc nhất có thể”, đặt tay lên lồng ngực, Thành trải lòng.
Với Thành, hạnh phúc đơn giản là mỗi sáng mình được thức dậy và cảm nhận được tất cả mọi thứ đang diễn ra xung quanh, khó khăn cũng được, vui vẻ cũng được. “Tôi quan niệm làm giàu không phải để khoe có bao nhiêu xe, bao nhiêu nhà, bao nhiêu đất mà để cứu được cho bao nhiêu đứa trẻ, chăm lo cuộc sống cho bao nhiêu gia đình, giúp được bao nhiêu mảnh đời”, Thành nhấn mạnh.
“Cha đẻ” SPHACY cho biết, anh luôn biết ơn đồng bào ở những nơi vùng sâu, vùng xa và bộ đội biên phòng vì họ đang ngày đêm bảo vệ lãnh thổ, vùng trời, vùng biển của Tổ quốc. Do đó, mỗi năm, SPHACY sẽ tổ chức 1 đến 2 lần đi từ thiện ở những vùng này.
“Tháng 7 vừa qua, chúng tôi đi xã Tả Thàng, xã nghèo nhất huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai, vùng giáp biên giới Trung Quốc. Gần như 100% là dân tộc Mông, nói tiếng Kinh họ không hiểu. Thật kinh ngạc vì đoàn bác sĩ của chúng tôi thăm khám thì 100% người dân trên đó đều bị bệnh tuyến giáp do điều kiện sinh sống không được đảm bảo”, Thành kể và cho biết SPHACY đã tặng thuốc, máy lọc nước cho bà con, các chiến sĩ tại các đồn biên phòng như Pha Long, Tả Gia Khâu… vì người dân ở những vùng này thường dùng nước suối để sinh hoạt, mà nước từ suối thường hay nhiễm kim loại nặng, ấu trùng… ảnh hưởng đến 80% đến sức khỏe của con người.
“Tôi muốn lan tỏa truyền thống biết ơn, nét văn hóa tốt đẹp của người Việt đến những cộng sự của mình, để họ tương tác lại với xã hội, góp phần nâng đỡ những mảnh đời bất hạnh, khó khăn. Khi đó tôi tin mọi người đều hạnh phúc và đất nước Việt Nam sẽ ngày càng giàu đẹp”, Thành bày tỏ.
Ngày 21/11/2024, Ông Vũ Văn Thành – Tổng Giám đốc công ty SPHACY đã vinh dự cùng đoàn công tác tham dự Diễn đàn Kinh tế Đô thị BRICS 2024 tại thành phố Saint Petersburg, Liên bang Nga. Sự kiện là cơ hội vàng để các doanh nghiệp Việt Nam giao lưu, tìm kiếm đối [...]
Vào chiều 10/11, SPHACY vinh dự tham gia Diễn đàn quốc gia “Văn hóa với doanh nghiệp” lần thứ 4, diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Sự kiện do Hiệp hội Phát triển Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam (VNABC) phối hợp cùng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức. [...]
Ông Vũ Văn Thành – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần SPHACY vinh dự được Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trao tặng Bằng khen vì đạt được thành tích xuất sắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đóng góp tích cực cho sự [...]
Ngày 11/9/2024, chuỗi webinar “Cập nhật Luật Dược tại nhà thuốc hiện hành” đã diễn ra thành công, thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia và dược sĩ. Tại webinar này, Th.S Dược sĩ Trần Thị Như Thủy đã có những chia sẻ sâu sắc về sự thay đổi của Luật Dược và [...]